Ninh Thuận: Dưa lưới công nghệ cao

Ninh Thuận: Dưa lưới công nghệ cao

Trong vài năm trở lại đây, mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn tỉnh ta đang dần có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, với thổ nhưỡng, khí hậu nắng và gió đặc trưng của tỉnh đã tạo nên những trái dưa thơm ngon mang hương vị đặc trưng, điều này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu mà còn mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới ở địa phương.

Nằm trên địa bàn thôn Nhị Hà 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam), trang trại FARA Farm trồng dưa lưới áp dụng CNC của anh Phạm Võ Uyên Bác đang chuẩn bị cho lứa thu hoạch đầu tiên. Với niềm đam mê của mình, bắt đầu từ cuối năm 2019, anh Bác cùng một số người bạn quyết định đầu tư vào trang trại trồng dưa lưới CNC với diện tích trên 1000m2.

Để bắt tay vào công việc mới, anh đã tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ về giống dưa lưới được lựa chọn cũng như các công nghệ cần thiết để cho ra trái dưa chất lượng cao nhất. Vườn dưa của anh đều được trồng trong nhà lưới để phòng tránh được sâu bệnh, áp dụng công nghệ bón phân cũng như tưới nước nhỏ giọt qua một chiếc ống nhựa, tất cả quy trình đều được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Đặc biệt, để chủ động nguồn nước tưới cũng như cải thiện chất lượng đất và không khí của nông trại anh còn cho đào hồ để dự trữ nước và trồng rất nhiều cây xanh xung quanh. Sau một thời gian vất vả, đến nay vườn dưa lưới của anh đã dần đi vào ổn định và chuẩn bị cho hưởng “trái ngọt” đầu tiên. Anh Bác chia sẻ: Với tâm huyết tạo ra một sản phẩm chất lượng của mảnh đất nắng và gió Ninh Thuận đến người tiêu dùng mình đã quyết định trồng giống dưa lưới. Đặc điểm của giống dưa lưới khi trồng tại đây sẽ có hương vị thơm ngon đặc trưng, ngoài ra nhà lưới cũng sẽ ít bị hư hỏng hơn những nơi khác. Tuy chi phí đầu tư tương đối cao, kỹ thuật trồng khắt khe nhưng giá trị sản phẩm cũng ổn định và đầu ra có sẵn nên hy vọng nông trại của mình sẽ có những bước phát triển mới. Sắp tới mình dự định sẽ triển khai mở rộng diện tích thêm 1000m2 nữa để cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu của địa phương.

Cũng xuất phát từ niềm đam mê nông nghiệp, từ chỗ có công việc ổn định tại Tp. Hồ Chí Minh, năm 2019 anh Trương Quang Bôn quyết định quay trở về Ninh Thuận để khởi nghiệp với quyết tâm trở thành một trong những người đi đầu phát triển sản phẩm dưa lưới Nhật Bản chất lượng cao ở Ninh Thuận. Sau thời gian nghiên cứu kỹ thuật trồng cây dưa lưới cũng như khảo sát nguồn nước, đất đai, khí hậu, anh Bôn tiến hành xây dựng khu vực nhà màng rộng gần 5.000 m2 ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 1,9 tỷ đồng. Đến tháng 10-2019, anh Bôn bắt đầu gieo trồng những hạt giống dưa lưới TL3, Taki, Kiro (dưa Thần Tài) cao cấp của Nhật Bản đầu tiên. Để đảm bảo cây dưa phát triển đồng đều, nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel đến từng gốc dưa. Vào thời điểm dưa lưới đơm hoa, anh Bôn đưa ong ruồi vào thụ phấn, sau khi thụ phấn ra trái mỗi cây chỉ giữ lại một trái để nuôi và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái cũng như phòng tránh dịch bệnh. Chia sẻ về ý tưởng trồng dưa lưới, anh Bôn cho biết: nhu cầu của người tiêu dùng là được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, giá cả hợp lý. Nắm bắt xu hướng đó cộng với sự hứng thú từ lâu với các giống dưa lưới của Nhật Bản bởi độ ngọt, thơm ngon nên anh quyết định huy động nguồn vốn từ gia đình, bạn bè để mở trang trại trồng dưa lưới bằng nông nghiệp công nghệ cao. Với khí hậu khô nóng ở Ninh Thuận rất thích hợp cho cây dưa lưới phát triển, trái có độ thơm ngon và ngọt thanh. Nhà màng giúp che chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên trái dưa lớn nhanh, giúp trái có vân lưới đẹp, độ lớn đồng đều. Trang trại chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ chăm sóc nên sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Thời gian tới, nông dân ở Ninh Thuận và các tỉnh, thành khác muốn học hỏi kinh nghiệm, có vốn và mong muốn đầu tư, trang trại luôn sẵn sàng chia sẻ và hướng dẫn kỹ thuật trồng và liên kết sản xuất. 

Được biết, dưa lưới từ lúc trồng đến khi trái đạt trọng lượng từ 1,4-1,8 kg bắt đầu thu hoạch, một vụ sản xuất dưa lưới kéo dài khoảng 60-70 ngày, có thể sản xuất được 4 vụ/năm. Mỗi sào dưa lưới cho sản lượng bình quân 3,5 tấn trái. Với giá bán từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư có thể có lãi gần 300 triệu đồng/vụ. Hiện sản phẩm dưa lưới được các cửa hàng, siêu thị tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Đánh giá về mô hình trồng dưa lưới, ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Mô hình trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, tuy nhiên đây là một tín hiệu tốt về chuyển dịch trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích đất canh tác, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, mở ra triển vọng mới về phát triển nông nghiệp bền vững ở địa phương. Tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các cá nhân, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC. Do đó, ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm đến cây dưa lưới Nhật Bản, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các chủ trang trại chuyển giao kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết sản xuất dưa lưới với các hộ dân trên địa bàn để giúp bà con phát triển kinh tế.

Theo: Thế Anh (baoninhthuan)

Tin khác