Hơn 50% DN không thể trụ lại trong 5 - 6 tháng tới nếu dịch COVID-19 vẫn phức tạp

Hơn 50% DN không thể trụ lại trong 5 - 6 tháng tới nếu dịch COVID-19 vẫn phức tạp

VTV.vn - Nếu dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, hơn 50% doanh nghiệp không thể trụ lại trong 5 - 6 tháng tới, 80% DN khó trụ vững sau 12 tháng.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đã đưa ra chia sẻ trên trong báo Đầu tư số ra sáng nay (15/4). Nhiều doanh nghiệp đang cảm thấy lo lắng do ứng xử khác nhau của nhiều bộ, ngành, chính quyền địa phương.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cũng đang cảm thấy sốt ruột vì nhiều "cơ trong nguy" có thể bị vuột đi nếu quá trình ra quyết định, tư duy chính sách không theo kịp tình hình.

Dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp cả nước vào cuối tháng này, với chủ đề: "Tái khởi động nền kinh tế để vượt qua dịch bệnh". Hôm nay , VCCI sẽ làm việc với các DN để tiếp tục tập hợp ý kiến phục vụ hội nghị.

Hầu hết DN đều đang gặp khó, nhưng hỗ trợ DN nào vào lúc này cũng là một bài toán đau đầu cho các cơ quan quản lý vì tiền có hạn. Theo TS. Lee Chang-hee - Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam: "Hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ sẽ giúp tăng khả năng chống chọi xã hội trước đại dịch".

TS Lee Chang-hee cho hay, cùng với khu vực quốc doanh, các DN siêu nhỏ, cơ sở kinh doanh gia đình và nông hộ chính là loại hình kinh tế đã hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Họ có thể cung cấp chỗ dừng chân tạm thời cho những người lao động bị mất việc, phải trở về quê nhà. Họ là nguồn lực truyền thống giúp xã hội có khả năng chống chịu và họ sẽ lại một lần nữa thể hiện vai trò truyền thống này trong thời điểm đại dịch.

TS. Lee Chang-hee cũng cho rằng: "Về lâu dài, vấn đề quan trọng mang tính chiến lược là cần chính thức hóa các DN phi chính thức để mở rộng cơ sở tiêu dùng trong nước và hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ. Một đất nước với gần 100 triệu dân cần xây dựng thị trường nội địa thực chất do các DN trong nước dẫn dắt, đây là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để giúp nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài".

Theo VTV

Tin khác